Bạn trẻ được gì sau những ngày 'cày view' cho thần tượng?
Mấy ngày nay người ta ồn ào xung quanh chuyện nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đạt hơn 12 triệu lượt xem sau nửa ngày phát hành MV mới. Không bàn đến chuyện chất lượng chuyên môn của sản phẩm này bởi gần như cứ mỗi lần ra bài hát mới, Sơn Tùng M-TP đều phá sâu những kỷ lục của mình nhờ lượng fan vô cùng hùng hậu. Trong đó, phần lớn là những người trẻ, còn đang ngồi trên ghế nhà trường, là học sinh, sinh viên từ khắp mọi miền Tổ quốc.
Tôi là một người thuộc thế hệ đầu 9x, tất nhiên tính đến thời điểm hiện tại, tôi cũng không còn quá trẻ và không có thời gian để tham gia vào "phong trào cày view" của cộng đồng người hâm mộ Sơn Tùng M-TP. Tôi có một công việc chiếm hết thời gian hành chính, ngoài giờ làm tôi dành thời gian ít ỏi còn lại cho gia đình, con cái. Guồng quay của cuộc sống đôi khi khiến tôi cảm thấy thiếu thời gian cho một ngày.
Giới trẻ ngày nay dường như không cảm thấy như vậy. Xung quanh tôi, đâu đâu cũng có bóng dáng của Sky (biệt danh của hội fan Sơn Tùng M-TP). Từ mấy bạn sinh viên thuê trọ nhà bên, mấy đứa em họ đến những đứa cháu mới đang ở độ tuổi học sinh tiểu học của tôi. Đã có lần tôi thấy đứa cháu 7 tuổi của mình ngồi lì trước màn hình máy tính tới tận 1-2 giờ sáng chỉ để bật đi bật lại MV mới của anh chàng ca sĩ trẻ kia - cái việc được chúng gọi là "cày view cho Sếp".
Có lẽ sẽ có nhiều người cho rằng tôi là người lạc hậu, không còn trẻ trung để hiểu suy nghĩ của lớp trẻ. Nhưng gần 10 năm về trước, tôi cũng là sinh viên như các bạn bây giờ. Ngoài giờ học ở trường, tôi dành thời gian đi làm thêm, vừa kiếm thêm thu nhập phục vụ sinh hoạt cá nhân, vừa để va chạm thực tế, tích lũy thêm kinh nghiệm, vốn sống để chuẩn bị hành trang cho tương lai sau này khi ra trường. Điều này luôn cần thiết với bất cứ sinh viên dù học chuyên ngành nào đi chăng nữa. Và những người bạn đồng trang lứa với tôi cũng đều như vậy.
Tuy nhiên, lứa trẻ ngày nay dường như không có cùng quan điểm như thế. Thay vì lao ra đời, lăn lộn với thực tế, sinh viên bây giờ lo cặm cụi ngồi trước màn hình máy tính, điện thoại để... "cày view" cho thần tượng. Họ "cày" từ trên giảng đường đến khi rời lớp học, từ trong nhà ra ngoài phố, từ lúc ăn đến lúc ngủ, bất kể ngày hay đêm. Và họ coi đó như một niềm tự hào, mang ra để khoe với chúng bạn.
Tôi tự hỏi các bạn trẻ sẽ được gì sau những màn "cày cuốc" quên ngày tháng như vậy? Được thỏa mãn thứ gọi là "đam mê"? Được thần tượng để mắt tới? Được nổi tiếng? Hay kiếm được chút tiền bạc hay kinh nghiệm nào bổ ích cho bản thân?
Phải chăng cuộc sống ngày càng no đủ khiến người trẻ không còn quá quan tâm đến chuyện cơm áo gạo tiền? Có vẻ như các bạn trẻ coi việc đi học là nghĩa vụ, còn trách nhiệm được đẩy cho phụ huynh. Bạn chỉ cần học, ba mẹ sẽ chu cấp tiền thoải mái cho bạn. Bạn cũng không cần đi làm thêm, chẳng cần quan tâm đến chuyện tích lũy kinh nghiệm để xin việc sau này, toàn bộ thời gian thanh xuân của bạn chỉ dành để "cày view" cho thần tượng.
Việc học hành sẽ quyết định cả tương lai phía trước của bạn. Tương lai của bạn có xán lạn hay không, giàu hay nghèo là do sự chăm chỉ, nỗ lực phấn đấu, trau dồi kinh nghiệm của chính bản thân bạn chứ không phải nhờ vào một thần tượng nào đó mang lại. Tuổi trẻ, thời sinh viên ngắn ngủi trong chớp mắt. Thay vì tốn thời gian vô bổ cho một vị "Sếp" nào đó không trả lương cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn ngoài một niềm tự hào "ảo", tại sao không tranh thủ những cơ hội ngoài đời để nâng cao kiến thức và giá trị bản thân, làm tiền đề để có thể kiếm được một công việc ổn định sau này, được trả lương xứng đáng bởi một ông sếp thực sự.
Câu chuyện sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường đôi khi không bắt nguồn từ những thứ quá phức tạp. Đôi khi việc bạn dành cả thanh xuân để làm gì sẽ là lời giải đơn giản nhất cho chính bản thân mỗi người.
Theo Bảo Nam (vnexpress.net)
Trọ Mới - Hỗ trợ tìm phòng trọ Free