Chấm dứt hợp đồng thuê phòng trọ có được trả lại tiền cọc không ?

Thưa Luật sư, em là sinh viên năm nhất thuộc đại học quốc gia. Khi lên đây học em và bạn em có thuê một phòng trọ với giá 1tr2/1tháng, đặt cọc 3 tháng. Nhưng do phòng trọ này nằm trong khu quy hoạch của làng đại học nhà trường yêu cầu chuyển vào nội trú ký túc xá hoặc chuyển ra ngoài khu làng đại học ở.

Sau khi hết tháng đầu tiên em và bạn em có qua thông báo cho bà chủ về việc bọn em sẽ dọn đi. Bà chủ có nói sau khi dọn đi nếu có ai ở thì bà sẽ trả tiền cọc lại cho. Vì em đăng kí vô kí túc xá trước bạn em nên em chuyển đồ vào ktx ở trước nhưng chúng em vẫn thuê thêm một tháng nữa. Do một mình bạn em ở nên nó chỉ trả tiền nước, bảo vệ, vệ sinh của một người. Cuối tháng, bạn em cũng dọn đi  và có người đến thuê phòng và bà chủ trả lại tiền cọc nhưng chỉ trả 1tr2. Em gặp hỏi bà chủ thì bà nói có một đứa thì bà chỉ trả lại một phần cho đứa ở lại sau nhưng phòng trọ do cả 2 cùng thuê và nộp tiền cọc theo phòng chứ không theo người. Như vậy bả chủ trả lại chỉ có một người là đúng hay không? Em xin cảm ơn ! 

Trả lời :

 Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi thắc mắc đến Công ty Luật Minh Khuê, căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp xin được tư vấn cho bạn như sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự năm 2005

Nội dung tư vấn 

Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về hợp đồng đặt cọc như sau : 

"Điều 358. Đặt cọc

1. Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự.

Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.

2. Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác."

 Về hình thức, bạn cần xác định rõ  hợp đồng này có được lập thành văn bản không hay chỉ là sự giao kết miệng giữa hai bên. Trong trường hợp HĐ đặt cọc không được lập thành văn bản thì hợp đồng này sẽ vô hiệu vì đã vi phạm về mặt hình thức, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận của nhau. 

Giả sử hợp đồng đã hợp pháp thì khi giao kết hợp đồng thuê nhà bạn cần phải xác định hai bên thỏa thuận số tiền đặt cọc này sẽ dùng để bảo đảm việc gì ( để đảm bảo việc bạn sẽ thuê phòng lâu dài, để sửa chữa nhà nếu bạn làm hỏng nhà hay để thanh toán nếu bạn không đóng tiền nhà hàng tháng ...), thì khi bạn vi phạm một trong những điều khoản của hợp đồng thì bạn mới bị mất tiền cọc.

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.