Trẻ em rơi từ chung cư cao tầng - Giải pháp nào để phòng ngừa?
Cách đây không lâu, vào tối ngày 19/4 tại chung cư HH2 Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP Hà Nội) đã xảy ra vụ cháu bé 4 tuổi rơi xuống từ tầng cao chung cư xuống đất tử vong. Theo cơ quan Công an, khoảng 20h30 cùng ngày, một số người dân đi bộ ở quanh khu vực tòa nhà HH2G thì bất ngờ nghe thấy tiếng động bất thường. Lại gần kiểm tra, mọi người hốt hoảng phát hiện một cháu bé nằm bất động tại vỉa hè phía sau chung cư. Ngay sau đó, người dân đã thông báo sự việc đến cơ quan Công an. Tiếp nhận tin báo, Công an phường Yên Nghĩa và các đơn vị nghiệp vụ Công an quận Hà Đông đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, tổ chức khám nghiệm, điều tra nguyên nhân vụ việc.
Vụ việc gần đây nhất xảy ra vào ngày 1/7 tại chung cư Vinaconex 1(phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) khiến cháu bé 5 tuổi tử vong. Theo báo cáo của Ban quản lý toà nhà, khoảng 10h5' sáng 1/7, nhân viên kỹ thuật trong quá trình kiểm tra đã phát hiện cháu bé 5 tuổi đi lạc tại thang bộ tầng 9 toà A1, sau đó dẫn cháu bé xuống tầng 1 toà A1. Tại đây, nhân viên lễ tân đã gọi điện cho bố cháu bé tại căn hộ trên tầng 11 xuống đón cháu lên nhà. Tuy nhiên đến 10h45 phút bố cháu bé lại để con ở tầng 11 để xuống tầng 6 họp với nhân viên. Tầm 11h bố cháu bé hốt hoảng chạy xuống tầng 1 hô hoán con bị rơi xuống sảnh văn phòng tầng 3 công ty Trung Chinh. Ban quản lý đã hỗ trợ người bố đưa cháu bé đi bệnh viện cấp cứu nhưng cháu bé không qua khỏi. Sau sự việc, ban quản lý đã báo cáo cơ quan quản lý phường Trung Hoà để điều tra theo quy định.
Ngoài ra còn rất nhiều vụ việc thương tâm xảy ra trên cả nước liên quan về việc các cháu nhỏ bị rơi tử vong tại các tòa nhà chung cư cao tầng. Đây như một hồi chuông cảnh tỉnh cho những gia đình sống trên các tòa nhà cao tầng có con nhỏ, các gia đình nên có những biện pháp đảm bảo an toàn cho chính những người thân trong gia đình mình trước những nguy hiểm luôn rình rập như vậy.
Anh Trần Giang Nam, ngụ tại chung cư Tecco, 65 Linh Đông, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, sau sự việc xảy ra với bé gái ở Hà Nội vào tháng 2/2021 được cứu sống ngoạn mục nhờ cú đỡ của anh Trần Ngọc Mạnh, nhiều cư dân tại chung cư Tecco có con nhỏ hết sức lo lắng, nhiều người đã tự mua, căng lưới ở ban công để phòng, chống tai nạn.
Theo anh Nam, chủ đầu tư xây dựng chung cư không thể xây kín ban công được. Vấn đề quan trọng là mỗi cư dân cần nâng cao ý thức phòng tránh. Các gia đình tuyệt đối không cho con nhỏ ra ban công một mình. Ở ban công không nên để các vật dụng tránh trẻ nhỏ hiếu động leo trèo. Đặc biệt, người lớn phải đóng cửa và kiểm tra thường xuyên cửa mở ra ban công, đề phòng trẻ nhỏ tụ tập, vui đùa và leo trèo ra ban công.
Chị Trần Thị Mai, sống ở tầng 26 tại một khu đô thị quận Cầu Giấy, Hà Nội, cũng chia sẻ: “Ở trên cao có cái thích là tầm nhìn toàn cảnh ra thành phố thoáng đãng, không khí trong lành hơn. Nhưng nhà có con nhỏ, cả hai vợ chồng cũng lo lắng chuyện đảm bảo an toàn cho các cháu”.
Chị Mai nhớ lại, hôm đầu tiên dọn về nhà mới, cả gia đình được phen hú hồn. Bé nhà chị lúc đó khoảng 4 - 5 tuổi, về nhà mới thích quá, chạy lăng xăng khắp nơi. Bẵng đi một lúc, cả nhà không tìm thấy bé đâu. Gọi mãi thì mới phát hiện do quá thích thú, bé đã trèo lên thành ghế, chui ra sau rèm để nhìn rõ hơn cảnh đường phố bên dưới qua ô cửa sổ. Dù gia đình đã cẩn thận lắp lưới an toàn nhưng vẫn cảm thấy "đứng tim" vì trèo lên thành ghế là bé cao đúng tầm cửa sổ mở chữ A. Từ đó, chị Mai thấy việc lắp lưới an toàn là cực kỳ cần thiết, nhất là với những gia đình sống tại các căn hộ tầng cao và có trẻ nhỏ.
Theo kiến trúc sư Vũ Ngọc Kiên, Trưởng phòng quản lý thiết kế Tập đoàn Hòa Bình, phần lớn các thiết kế lan can tại các công trình nhà ở đều đạt yêu cầu theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam; trong đó, yêu cầu về chiều cao với lan can không dưới 1,4 m và khe hở của lan can không được lớn hơn 100mm. Đặc biệt, lan can phải chắc chắn và khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Thế nhưng, trên thực tế, trong quá trình sửa chữa và trang trí ban công, người dân tự ý cải tạo và thêm một số bồn hoa, có thể cao hoặc thấp nên các cháu đã trèo lên; hay bên cạnh ban công và giàn phơi có để máy giặt nên trẻ con trèo lên và có thể leo ra ngoài gây nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn cho con trẻ, Thượng tá Đinh Tuấn Thành, Trưởng Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho rằng, tất cả những hộ gia đình trong các chung cư cao tầng, nhất là những hộ gia đình nào có các cháu bé nhỏ tuổi cần phải rà soát lại toàn bộ trong nhà, ngoài hiên lan can, tất cả đồ vật có nguy cơ tiềm ẩn gây nên tổn hại sức khỏe, tính mạng cho trẻ nhỏ, đều phải sắp xếp chỉnh sửa, gia cố lại.
"Không chỉ ở các chung cư, mà ở các khu vui chơi, trường mẫu giáo, trường tiểu học cũng phải chú trọng đến việc xây dựng lan can, lắp đặt rào chắn hành lang, ban công, cầu thang để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các em", Trưởng Công an quận Thanh Xuân Đinh Tuấn Thành nhấn mạnh.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Xuyên, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, chủ đầu tư xây dựng chung cư theo thiết kế, quy chuẩn của Bộ Xây dựng được duyệt và được cơ quan chuyên môn nghiệm thu sau khi hoàn thành.
Thời gian qua, các vụ tai nạn thương tâm do leo trèo ban công đều xảy ra vào thời điểm chung cư đưa vào sử dụng. Vì thế, chủ đầu tư nên khuyến cáo hoặc phát hành cẩm nang sử dụng an toàn nhà chung cư; trong đó có ban công cho người dân trước khi cho khách hàng vào ở.
Đối với cư dân, không nên kê các vật dụng ở ban công để tránh trẻ nhỏ leo trèo, đu bám. Mặt khác, việc cơi nới ban công, thậm chí rào hẳn ban công cũng không phải là giải pháp hữu hiệu vì như vậy sẽ vi phạm thiết kế xây dựng, không đảm bảo độ thông thoáng (gió, ánh nắng) cũng như ảnh hưởng đến việc phòng cháy chữa cháy mỗi khi có sự cố.
“Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng đã kiến nghị và hiện nay Bộ Xây dựng đang dự thảo việc sửa đổi tiêu chuẩn thiết kế xây dựng chung cư để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng, vừa đảm tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số an toàn trong xây dựng vừa đảm bảo mỹ quan thiết kế”, đại diện Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.