Trượt đại học thì nên làm gì? 7 hướng đi chính xác khi rớt đại học
Tham gia xét tuyển bổ sung hoặc học bạ
Trong trường hợp các trường Đại học hoặc Cao đẳng chưa tuyển đủ số sinh viên sẽ tiến hành mở đợt xét tuyển bổ sung. Đa số lý do dẫn đến không đủ chỉ tiêu đến từ việc nhiều thí sinh đậu nhưng không xác nhận nhập học hoặc quá ít thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đợt 1. Bộ GD&ĐT cũng quy định điểm trúng tuyển đợt bổ sung không được thấp hơn so với đợt 1. Tùy vào mỗi trường mà sẽ có thêm các đợt tuyển sinh bổ sung khác. Thí sinh cần theo dõi rõ thông báo và căn cứ điểm số mình có để lựa chọn trường cho phù hợp.
Những trường hợp sau đây thí sinh có thể nộp hồ sơ xét tuyển bổ sung:
Trường hợp 1: Thí sinh trượt tất cả nguyện vọng đã đăng ký trong đợt 1
Trường hợp 2: Thí sinh đỗ nguyện vọng đã đăng ký nhưng không xác nhận nhập học
Trường hợp 3: Trong đợt 1, thí sinh không đánh dấu tick vào ô “Thí sinh có dùng kết quả để xét tuyển Đại học, Cao đẳng”.
Thi lại đại học
Chắc bạn cũng hoang mang không biết rớt đại học có được thi lại không đúng không? Và câu trả lời là CÓ, rớt đại học bạn vẫn có thể thi lại vào năm sau nhé. Nếu bạn vẫn muốn tiếp tục con đường trở thành tân sinh viên ở ngôi trường bạn vô cùng yêu thích, bạn hoàn toàn có thể dành một năm để ôn tập và tham gia thi THPT vào kì kế tiếp.
Không thể phủ nhận đôi lúc bạn sẽ cảm thấy chán nản hoặc tự ti với các bạn đồng trang lứa. Thế nhưng, theo đuổi ước mơ chưa bao giờ là muộn. Chỉ cần bạn có đam mê, tâm huyết và sự nỗ lực, ắt sẽ nhận được thành quả xứng đáng. “Lên dây cót” ngay từ bây giờ để chuẩn bị cho việc tiếp tục ôn tập, rút kinh nghiệm từ kỳ thi vừa qua và bổ sung thêm kiến thức bản thân còn thiếu sót, vững vàng tâm lý viết tiếp ước mơ vào cánh cửa đại học.
Học cao đẳng
Nếu bạn bị rớt đại học, chắc hẳn bạn cũng có suy nghĩ “rớt đại học có được xét cao đẳng không” đúng không nào? Đừng quá lo lắng vì rớt đại học bạn vẫn được xét cao đẳng, và nó có thể là một phương án để bạn tiếp tục chinh phục ước mơ. Tuy nhiên, các bạn nên tìm hiểu kỹ về cao đẳng vì có đến hai loại khác nhau là cao đẳng nghề và cao đẳng chính quy.
Tùy vào ngành nghề bạn theo đuổi mà các bạn có thể lựa chọn cho mình trường cao đẳng phù hợp. Dù là cao đẳng nghề hay cao đẳng chính quy thì khi tốt nghiệp, sinh viên đều được cấp bằng Cao đẳng cử nhân.
Đi du học
Bạn không nên xem du học như một lối thoát vì trượt đại học mà nên xem nó như một cơ hội mới để bạn viết tiếp ước mơ. Tương tự như việc chuẩn bị cho kì thi THPT, có khi hơn cả thế, bạn cần phải xác định rõ về quốc gia bạn muốn đến (từ ngôn ngữ, văn hóa, trường học đến cơ hội việc làm, mức lương…) và cuối cùng là chi phí. Du học không là phương án hàng đầu nếu bạn không có quyết tâm cũng như kinh tế không cho phép.
Theo học tại các học viện uy tín
Thêm phương án cho câu hỏi: “Làm gì khi trượt đại học?”, bạn có thể chọn theo học tại các học viện uy tín. Tùy vào ngành nghề bạn yêu thích mà bạn có thể tìm các học viện thích hợp. Nhiều học viện hiện nay được đánh giá đào tạo sâu và chuyên môn cao, chú trọng nghiên cứu, thực hành hơn, đa dạng lĩnh vực…
Học nghề
Trung cấp nghề là hình thức đào tạo chính quy chuyên về các kiến thức chuyên môn và các kỹ năng thực hành nghề nghiệp, ít lý thuyết hơn và thực hành chuyên sâu hơn so với cao đẳng nghề. Người tốt nghiệp trung cấp nghề sẽ được nhận bằng trung cấp nghề. Theo quy định, bằng cao đẳng nghề sẽ có giá trị hơn trung cấp nghề bởi nằm ở bậc đào tạo cao hơn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở năng lực thực tế của bản thân.
Nếu bạn trượt đại học và có mong muốn được đi làm nhanh chóng, trung cấp nghề là lựa chọn dành cho bạn với mức học phí thấp hơn và thời gian học ngắn hơn cao đẳng nghề. Tùy theo ngành nghề mà bạn nên trau dồi thêm các kỹ năng mềm như khả năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chăm sóc khách hàng… để có thể cạnh tranh và thăng tiến trong công việc.
Đi làm kiếm tiền
Không ít các sĩ tử chọn cách đi làm ngay sau khi biết kết quả trượt đại học. Điều này hoàn toàn không có gì sai đối với các bạn có điều kiện khó khăn hoặc muốn trải nghiệm làm việc thực tế ngoài xã hội. Ở thời điểm này, các bạn có thể học hỏi thêm các kỹ năng mềm từ những công việc ở khối hoạt động (pha chế, thu ngân, nhân viên bán hàng…), đặc biệt trong ngành F&B. Không ít các thương hiệu lớn luôn có sẵn lộ trình thăng tiến dành cho các bạn muốn gắn bó lâu dài, tuy nhiên bạn vẫn cần có bằng đại học hoặc cao đẳng để có thể đạt đến các vị trí cao hơn nữa.
Chính vì lẽ đó, việc đi làm thêm ngay khi vừa rớt đại học chỉ là phương án phụ để bạn tích lũy kinh nghiệm, song song với đó bạn cần lên cho bản thân kế hoạch học tập phù hợp, sở hữu một tấm bằng giúp bạn dễ dàng hơn trong việc phát triển sự nghiệp.